Tin đồn về “Trận sóng thần lịch sử” vào ngày 5/7 vẫn mãi mãi là tin đồn
ĐẶNG PHƯƠNG TRANG
Trong thời gian trước ngày 5/7 vừa qua, mạng xã hội Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới đã rộ lên một tin đồn gây hoang mang: một trận sóng thần “lịch sử” sẽ xảy ra vào đúng ngày này. Tin đồn nhanh chóng lan rộng với tốc độ chóng mặt, khiến không ít người hoang mang, lo lắng, thậm chí một số người đã hủy kế hoạch đi Nhật. Điều đáng nói là nguồn gốc của tin đồn này lại đến từ một cuốn manga Nhật Bản – được nhiều người cho là “tiên tri” vì từng “dự đoán đúng” một số sự kiện trong quá khứ.

Cuốn manga này được cho là đã đề cập đến một thảm họa sóng thần xảy ra vào ngày 5/7, và thông tin này nhanh chóng được cư dân mạng khai thác, chia sẻ và thêu dệt thêm. Những dòng tít giật gân như “Ngày tận thế đã cận kề”, “Chuẩn bị đối mặt với trận sóng thần kinh hoàng nhất lịch sử” xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… Tâm lý đám đông cộng hưởng với sức mạnh lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội đã khiến một tin đồn vô căn cứ trở thành một nỗi ám ảnh thực sự với nhiều người.

Khoảng thời gian trước ngày 5/7 tôi có nói chuyện với các bạn của tôi ở Việt Nam và ai cũng tin vào tin đồn này. Họ khuyên tôi nên về Việt Nam ngay đi để “tránh” sóng thần đi dù tôi luôn bảo rằng cuộc sống ở Nhật Bản đang rất bình thường nhất là ở Osaka và trên báo đài cũng không có đề cập đến nguy cơ sóng thần. Nhưng khi tin đồn được nhiều biết đến và tin thì dần dần nó dường như được coi như là sự thật. Điều này cho thấy ảnh hưởng rất lớn của mạng xã hội đối với những người sử dụng mạng xã hội nhưng không xem xét tính đúng sai, hợp lý của thông tin được đưa ra.

Tuy nhiên, hiện tại đã là ngày 16/7, tức là hơn 10 ngày kể từ thời điểm được cho là xảy ra “trận sóng thần lịch sử”, và tất nhiên như đã được các nhà khoa học khẳng định từ đầu, chẳng hề có bất kỳ hiện tượng bất thường nào liên quan đến sóng thần trên quy mô toàn cầu hay tại các khu vực nguy cơ cao. Các cơ quan khí tượng thủy văn và địa chất trong nước cũng như quốc tế đều không ghi nhận bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ sóng thần trong khoảng thời gian nói trên.

Câu chuyện lần này thêm một lần nữa cho thấy sức mạnh và mặt trái của mạng xã hội. Trong khi mạng xã hội là công cụ hữu ích để lan truyền thông tin nhanh chóng, thì cũng chính nó lại là mảnh đất màu mỡ cho những tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng. Những tin đồn như “sóng thần ngày 5/7” không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân, đặc biệt là ở các khu vực ven biển vốn nhạy cảm với thiên tai.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo hơn trước các luồng thông tin trên mạng. Việc kiểm chứng thông tin qua các nguồn tin chính thống, cơ quan chức năng và chuyên gia là vô cùng quan trọng. Không nên vì những nội dung mang tính giật gân, ly kỳ mà vội vàng tin theo, dẫn đến những hành động hoang mang, sai lệch.

Dẫu vậy, cũng không thể phủ nhận rằng câu chuyện này cho thấy sức hút kỳ lạ của các yếu tố “tiên tri”, “linh cảm” trong văn hóa đại chúng – đặc biệt là trong thời đại mà thông tin có thể bị bóp méo, cắt ghép và lan truyền chỉ trong tích tắc. Nhưng thực tế đã chứng minh: không phải cứ xuất hiện trong truyện tranh là sẽ trở thành sự thật.

Tin đồn đã bị dập tắt và cuộc sống vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, đây là một lời nhắc nhở cần thiết: hãy luôn tỉnh táo và lý trí khi đọc và xem các thông tin trên mạng xã hội.

Mọi người có thể đọc thêm sự ảnh hưởng của tin đồn này qua: https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/4129/
  • 0 WoW